Cột sống là toàn bộ khung đỡ của cơ thể. Theo năm tháng, cột sống bị yếu đi, lão hóa và sức nâng đỡ kém. Sự thoái hóa làm cho bao xơ của đĩa đệm bị giòn và nứt nẻ, tạo khe hở cho nhân nhày ở bên trong thoát ra ngoài, gây nên thoát vị đĩa đệm. Các dây chằng thoái hóa cũng bị giảm độ đàn hồi, phình to ra, chất vôi lắng đọng lại hoặc hóa vôi, chèn ép vào các rễ thần kinh trong ống sống hoặc trong lỗ liên hợp, chèn vào các đầu dây thần kinh chằng gây triệu chứng đau.
Thoái hóa cột sống bao gồm thoái hóa cột sống thắt lưng và thoái hóa cổ. Nếu bị ở thắt lưng, người bệnh thường đau phần dưới của lưng âm ỉ, có thể đau đột ngột sau khi mang vác nặng, sau khi vận động nhiều, sau khi thay đổi tư thế hoặc thay đổi thời tiết. Đau liên tục hoặc từng đợt, hay tái phát, có khi đau phối hợp với đau thần kinh tọa. Cột sống thắt lưng có thể biến dạng, vẹo làm hạn chế vận động. Nếu được nằm nghỉ, người bệnh thường giảm đau.
Nếu thoái hóa vùng cổ, bệnh nhân sẽ thấy nhức đầu vùng thái dương, trán, hai hố mắt vào buổi sáng; có khi tê tay do đám rối thần kinh cánh tay bị chèn ép; kèm theo chóng mặt, ù tai, nhức đầu, hoa mắt; cột sống cổ biến dạng, vẹo, hạn chế vận động, co cứng cạnh cổ. Đau vùng cổ cấp hoặc mãn, hạn chế vận động, đau tăng khi mệt mỏi, căng thẳng, lao động nặng hay khi thay đổi thời tiết.
Nguyên tắc điều trị chung của bệnh bao gồm giảm đau như nghỉ ngơi, tập yoga các bài tập nhẹ nhàng, dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc thuốc kháng viêm, giảm đau không steroide. Đặc biệt, áp dụng các phương pháp phòng ngừa bệnh và phòng ngừa biến chứng là quan trọng nhất.
Lưu ý để phòng ngừa bệnh thoái hóa cột sống:
- Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt, lao động gây đau như ngồi lâu, đứng lâu một tư thế. Khi đi máy bay hay đi ôtô đường dài, tư thế ngồi đúng nhất là ngả lưng ghế ra sau khoảng 15 độ (tức là lưng ghế và mặt ghế tạo thành một góc 105 độ) và ngồi dựa vào lưng ghế.
- Tránh mang vác nặng quá mức hoặc các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế. Tránh gây căng thẳng lên cột sống.
- Sử dụng kỹ thuật thích hợp khi phải nâng vật nặng hay tham gia vào các môn thể thao mạnh mẽ.
- Để giữ cho cột sống của bạn luôn luôn khỏe mạnh, nên thực hiện các bài tập tác động thấp như đi bộ hoặc bơi lội. Tập yoga nhẹ nhàng cũng có thể giúp cột sống mạnh mẽ và linh hoạt. Có thể tập các bài tập cho cổ và lưng nhẹ nhàng ngay tại nơi làm việc hoặc ở nhà. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một chế độ tập luyện.
- Giảm cân, dinh dưỡng tốt cũng giúp sức mạnh hỗ trợ cột sống. Ăn các thức ăn có nhiều chất xơ và ít chất béo sẽ làm giảm khối lượng cơ thể để cột sống chỉ phải nâng đỡ một khối lượng ít hơn. Thực phẩm như cá, các loại hạt, rau lá xanh có hàm lượng cao omega và chất chống oxy hóa đều có ích cho sức khỏe của khớp và đĩa đệm.
- Không nên hút thuốc vì các độc tố và chất nicotine trong thuốc lá ngăn chặn đĩa đệm của bạn hấp thu vitamin và chất dinh dưỡng.
- Nên ngủ đủ giấc, ngả lưng một chút trong buổi trưa cũng rất quan trọng. Tốt nhất nên có gối mỏng để tránh đau cổ.
- Phát hiện sớm các dị dạng cột sống để có biện pháp chỉnh hình nội khoa hay ngoại khoa thích hợp.
- Điều trị tốt các bệnh dễ gây tổn thương đốt sống như viêm đĩa đệm đốt sống.
Bài tập cho người đau lưng
Bạn cần thực hiện các động tác chậm rãi và duy trì hàng ngày. Nếu tập động tác nào thấy đau thì không nên tiếp tục động tác đó nữa. Các động tác nên làm từ 5 đến 10 lần.
Tư thế khởi động
Quỳ đầu gối xuống, chống 2 tay và 2 đầu gối chạm đất, 2 cánh tay mở rộng bằng vai và để bàn tay hướng về phía trước.
Động tác 1
Uốn cong lưng, cúi mặt xuống sàn. Sau đó hạ thấp vùng bụng xuống sàn tập, trùng lưng và ngẩng cao mặt hướng lên trần nhà. Phụ nữ mang bầu không nên thực hiện phần 2 của động tác này, tức là không nên trùng lưng và ngẩng cao mặt. Thay vào đó hãy giữ cho lưng thẳng.
Động tác 2
Giữ ổn định phần chân, đưa qua lại 2 cánh tay sang 2 bên.
Động tác 3
Đưa một tay xuống dưới bụng, để căng hết phần vai. Sau đó, chuyển động tác, lắc cánh tay với lực mạnh nhất có thể rồi trở lại điểm xuất phát. Đưa mắt theo hướng của cánh tay. Lặp lại với tay kia.
Động tác 4
Gập một đầu gối chạm khuỷu tay. Đổi bên.
Động tác 5
Sải thẳng tay trái về phía trước, cùng lúc đó căng thẳng chân phải về phía sau. Đổi bên.
Động tác 6
Lắc vùng mông từ trái sang phải rồi làm ngược lại.
Động tác 7
Ổn định tư thế cân bằng ở vùng hông. Hạ thấp cơ thể, để mũi thấp dần xuống sàn tập sao cho thoải mái nhất có thể. Nhoài người lên phía trước, đưa mũi dọc theo sàn tập xa hết mức có thế trước khi quay nhẹ nhàng quay về tư thế trước đó và lặp lại động tác.
Đăng bởi Yoga và Cuộc Sống